0963 251 336
 Xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
 ctynstt@gmail.com

CÔNG TY CỔ PHẦN CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TRUNG THÀNH

Hương vị quê hương, chất lượng quốc tế

Gạo, dứa tiêu thụ mạnh trong mùa dịch Covid-19

01/03/2021

Gạo là một trong số những mặt hàng nông sản có sự tăng trưởng cả về số lượng và giá trị trong mùa dịch Covid-19. Khoảng hơn 1 tháng qua, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp, hợp tác xã đều rơi vào tình trạng khan hiếm hàng vì nhu cầu của thị trường các tỉnh dưới xuôi tăng mạnh. Do đó, sản phẩm gạo Ðiện Biên có sự tăng trưởng đột biến về cả số lượng và giá trị, tăng khoảng 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

2 năm gần đây, bà Nguyễn Thị Thu, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) thu mua thóc của một số hộ dân trên địa bàn xã, xay xát, đóng gói và mở đại lý bán gạo dưới TP. Hà Nội. Sản lượng gạo thành phẩm bán ra thị trường khoảng 6 - 8 tấn/năm. Kết thúc vụ mùa năm 2019, bà Thu mua 5 tấn thóc tích trữ dự tính sẽ bán đến vụ thu hoạch lúa đông xuân năm 2020. Tuy nhiên, mới đầu tháng 3/2020, kho thóc của bà Thu đã hết. Bà Thu cho biết: “Từ sau tết Nguyên đán Canh Tý, nhu cầu gạo tại thị trường Hà Nội tăng và tăng mạnh trong khoảng 1 tháng gần đây - khi xuất hiện dịch Covid-19. Từ tháng 10/2019 đến nay, tôi đã bán hết 5 tấn thóc thu mua từ vụ mùa năm 2019. Về giá gạo tăng gấp 1,5 lần so với trước. Nếu như năm 2019, giá bán gạo tám thành phẩm 17.000 đồng/kg thì từ đầu năm 2020 đến nay giá gạo đạt mức 20.000 - 25.000 đồng/kg.”

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên là một trong những cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo lớn nhất tỉnh. Hiện nay, Hợp tác xã đã xây dựng thành công chuỗi liên kết gia tăng giá trị các sản phẩm gạo IR64, Bắc thơm số 7 và Séng cù với tổng diện tích 150ha, liên kết với 110 hộ dân xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Hợp tác xã cung cấp sản phẩm gạo ra thị trường thông qua các kênh phân phối bán lẻ tại các siêu thị của một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Tổng sản lượng gạo bán ra hàng năm đạt 500 tấn. Từ tháng 10/2019 đến nay, nhu cầu tiêu thụ gạo tăng cao, sản lượng gạo của Hợp tác xã cung cấp ra thị trường đã có bước tăng trưởng đột biến. Ông Nguyễn Ðình Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Từ tháng 10/2019 đến nay, tổng sản lượng gạo đơn vị bán ra có sự tăng trưởng đột biến về số lượng với 500 tấn gạo thương phẩm, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, Hợp tác xã đã hết hàng, không còn khả năng cung cấp gạo và phải đợi thu hoạch vụ đông xuân năm 2020.

Cùng với gạo, dứa cũng là sản phẩm tiêu thụ mạnh thời dịch Covid-19 xuất hiện đúng thời điểm sản phẩm dứa Mường Chà bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Năm nay, Hợp tác xã Dứa Na Sang có 120ha dứa cho thu hoạch, năng suất ước đạt 12 - 15 tấn/ha. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Dứa Na Sang cho biết: Bước vào vụ thu hoạch năm nay, người dân rất lo lắng về thị trường đầu ra, bởi vì năm 2019 ít mưa, quả dứa có trọng lượng nhỏ hơn, khi thu hoạch lại đúng thời điểm xuất hiện Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân đã yên tâm về thị trường tiêu thụ; tuy mới đầu vụ thu hoạch nhưng giá dứa đã đạt 5.500 - 6.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với năm 2019. Thương lái từ các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Hà Nội hầu như ngày nào cũng có mặt tại địa bàn để thu mua dứa. Thêm một tín hiệu vui cho người trồng dứa Mường Chà là vừa qua, Hợp tác xã đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm dứa Mường Chà với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát (TP. Nam Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh) với thời hạn 5 năm (2020 - 2024), sản lượng 1.000 tấn/năm; hợp đồng có điều khoản rất linh động và rất thuận lợi cho người trồng dứa. Như vậy, trong vòng 5 năm tới, người trồng dứa Mường Chà cơ bản không còn lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 song các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cần tăng cường kết nối thu mua nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cần đầu tư công nghệ chế biến, tăng cường liên kết với nông dân trong xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ, từng bước hạn chế xuất khẩu nông sản tươi, thô để không xảy ra tình trạng ứ đọng sản phẩm.